Sự kiện nổi bật
Tiến sĩ trẻ nhận giải “Quả cầu vàng 2020” và khát vọng đưa sâm Ngọc Linh rời núi
13/01/2021

Ước mơ lớn nhất của nhà khoa học trẻ là có thể đưa sâm Ngọc Linh tự nhiên quý hiếm từ vùng rừng núi đến tận tay người dân.

 
Với những nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm (Trường Đại học Duy Tân) đã trở thành một trong 10 gương mặt xuất sắc tại “Quả cầu vàng 2020”.
 
Đứng lên từ những thất bại
 
Sinh ra, lớn lên ở vùng quê Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), từ nhỏ, Tâm đã có niềm đam mê với các loại cỏ cây, trong đó có loài sâm Ngọc Linh quý hiếm mọc giữa đại ngàn Trường Sơn.
 
Tiến sĩ trẻ nhận giải “Quả cầu vàng 2020” và khát vọng đưa sâm Ngọc Linh rời núi
Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm là một trong mười gương mặt xuất sắc giành quả cầu vàng 2020. Ảnh: AN
 
Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học tại Đại học Đà Lạt, Tâm quyết định bước vào con đường nghiên cứu với mong muốn tạo ra những giống cây trồng hữu ích.
 
Chia sẻ về chặng đường chông gai đã trải qua, Tâm nói: “Từ ngày còn trên giảng đường đại học, mình đã bắt đầu nghiên cứu và nhân giống vô tính cây chuối Laba (giống chuối đặc hữu Lâm Đồng). Đó cũng là lần đầu tiên bước vào phòng thí nghiệm
 
Nhưng sản phẩm đầu tay cứ nuôi cấy miết mà nó không lên. Thất bại liên tục khiến mình buồn bã, stress mấy ngày liền. Nhưng rồi được sự động viên của bạn bè, thầy cô, mình tiếp tục thử nghiệm thêm nhiều lần nữa và thành công.
 
Đó là thất bại đầu tiên nhưng để lại nhiều suy nghĩ, day dứt trong quá trình nghiên cứu về các giống cây trống quý hiếm đến tận sau này”.
 
Năm 2014, sau nhiều năm nghiên cứu về các giống cây trồng quý trong nước, Tâm sang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Chungbuk (Hàn Quốc).
 
Thời gian hơn 5 năm ở Hàn Quốc đã giúp Tâm tiếp cận với những nền tảng khoa học cây trồng tiên tiến cùng những phòng Lab, thiết bị thử nghiệm hiện đại.
 
“Môi trường khoa học làm việc bên đó rất căng thẳng và họ rất đề cao tính hiệu quả công việc. Do tiến độ công việc, hồi đó, mình xác định là ăn dầm nằm dề trên Lab, có hôm làm xuyên đêm”, Tâm vui vẻ nhớ lại.
 
Những nỗ lực miệt mài đó đã mang đến cho Tâm những thành công trên con đường nghiên cứu. Giải ba báo cáo xuất sắc tại Hội thảo In vitro Biology Meeting, Raleigh, Bắc Carolina, Mỹ 2017;
 
Giải nhì báo cáo xuất sắc tại Hội thảo The 3rd International Orchid Symposium, Seoul, Hàn Quốc 2018; 2 giải thưởng báo cáo xuất sắc khác tại các hội nghị khoa học tại Hàn Quốc.
 
“Khi có những giải thưởng đầu tiên của Hội nghị sẽ là động lực cho mình để cống hiến hơn. Nhất là giải 3 báo cáo tại hội nghị “sinh học trong ống nghiệm” năm 2017 tại Mỹ. Đó là động lực rất lớn với mình”, Tâm tâm sự.
 
Mang niềm hy vọng trở về
 
Đầu năm 2020, Tâm quyết định trở về Việt Nam và tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Viện Sáng kiến Sức khỏe Toàn cầu (Trường Đại học Duy Tân).
 
Tiến sĩ trẻ nhận giải “Quả cầu vàng 2020” và khát vọng đưa sâm Ngọc Linh rời núi
Những nghiên cứu về "bảo vật quốc gia" - loài sâm Ngọc Linh quý hiếm đang thu về những kết quả khả quan. Ảnh: AN
 
Ở đây, Tâm lại viết tiếp những ước mơ từ ngày còn bé của mình là phát triển và bảo tồn loài sâm Ngọc Linh của quê hương.
 
“Gần 10 năm qua, mình đã dành rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu về loại sâm quý này.
 
Ở Hàn Quốc, họ đã thương mại hóa được sản phẩm sâm quốc bảo của mình, còn sâm Ngọc Linh vẫn rất khó trồng, khó nhân giống và chủ yếu phân phối ở vùng núi cao của đỉnh Ngọc Linh.
 
Mong muốn của mình là có thể chọn lọc, tạo ra những giống sâm Ngọc Linh để di chuyển tới trồng ở vùng đồng bằng, trung du.
 
Lúc đó, sâm quý không chỉ có ở đỉnh Ngọc Linh mà còn ở nhiều nơi khác, hình thành nên những vùng chuyên về trồng sâm phục vụ quy mô công nghiệp”.
 
Trong phòng thí nghiệm chất đầy những mẫu vật, cây cối được lấy từ nhiều nơi khác nhau mang về, Tâm nói, đang thí nghiệm nuôi cấy mô để tạo ra những giống cây trồng quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như: Sâm Ngọc Linh, Lan Hài, Lan Gấm...
 
Việc nuôi cấy này không chỉ bảo tồn được nguồn gen quý mà còn tạo ra nguồn cây giống chất lượng.
 
“Liên quan đến quá trình nghiên cứu Sâm Ngọc Linh thì nhóm của mình đã công bố 8 bài báo khoa học trong nước và một bài báo quốc tế.
 
Mình cũng đã nhân giống vô tính (trong phòng thí nghiệm) thành công sâm Ngọc Linh và mang đến trồng ở Kon Tum và khu vực Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà – Lâm Đồng. Hiện giờ sâm trồng ở đây đã sinh trưởng tốt và bước đầu cho các hoạt chất giống như sâm trồng tự nhiên ở đỉnh Ngọc Linh”.
 
Tâm chia sẻ thêm, về mặt trồng sâm Ngọc Linh ở quy mô thí nghiệm thì bước đầu đã có những kết quả thành công, và hướng sắp đến là sẽ tạo ra nguồn cây giống phục vụ việc trồng ở các địa bàn khác nhau (ngoài vùng núi Ngọc Linh).
 
Đồng thời, cũng hướng đến việc thu sinh khối để tạo ra nguồn nguyên liệu có hoạt tính, phục vụ sản xuất công nghiệp.
 
Những nỗ lực ấy của Tâm đang dần đưa loài sâm Ngọc Linh vốn được xem là “bảo vật quốc gia” rời núi, để đến với nhiều vùng miền trong cả nước.
 
Giải thưởng “Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2020” do Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhằm tôn vinh các tài năng trẻ Việt Nam (dưới 35 tuổi) có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.
 
Đây là giải thưởng được trao thường niên nhằm thúc đẩy phong trào thi đua, học tập, nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Bài viết liên quan