Sự kiện nổi bật
Talk show “Kế thừa và Kiến tạo giá trị: Câu chuyện Văn hóa - Du lịch ở Hội An & Busan”
16/07/2020
Nhằm nâng cao vai trò của thế hệ trẻ trong việc kế thừa và kiến tạo giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, Đại học Duy Tân đã tổ chức chương trình Talk show “Kế thừa và Kiến tạo giá trị: Câu chuyện Văn hóa - Du lịch ở Hội An & Busan” vào sáng ngày 14/7/2020. Talk show có sự tham dự của ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Tp. Hội An, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Duy Tân, GS. TS. Lim Sang Taek - Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Đào tạo Du lịch Đại học Duy Tân cùng đông đảo giảng viên, sinh viên của Viện Viện Nghiên cứu & Đào tạo Du lịch và khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn.
 
Ông Nguyễn Sự chia sẻ câu chuyện về quá trình làm du lịch của Tp. Hội An...
 
Tại Talk show, giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân đã được nghe nhiều câu chuyện về quá trình phát triển du lịch của Tp. Hội An, làng bích họa Gamcheon thuộc Tp. Busan (Hàn Quốc),... Là người đã dành gần 25 năm cuộc đời để lãnh đạo Tp. Hội An, ông Nguyễn Sự đã chia sẻ với giảng viên và sinh viên Duy Tân về sự thay đổi của Hội An cũng như quá trình phát triển du lịch tại Hội An: “Ở những thế kỷ trước, người dân Hội An đã biết làm thương mại và đã từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, là nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII và XVIII. Thế nhưng, theo sự biến thiên của thời đại, sự sầm uất của Hội An dần nhường chỗ cho Tp. Đà Nẵng. Để hội nhập với thời đại, Hội An phải thay đổi và hướng đi mà thành phố đã xác định được từ nhiều năm trở về trước khi tôi còn tham gia lãnh đạo đó chính là phát triển du lịch, bởi Hội An có rất nhiều tiềm năng về lĩnh vực này. Tất nhiên, hướng đi đó ban đầu cũng có nhiều ý kiến cả đồng thuận và phản bác. Thế nhưng với sự kiên trì, quyết tâm của ban lãnh đạo thành phố cùng người dân Hội An, du lịch của thành phố đã dần dần đi lên và khởi sắc như ngày hôm nay. Cho đến bay giờ, nhìn lại quá trình phát triển du lịch của Hội An, tôi nhận thấy rằng quá trình đó là do chính người dân sáng tạo và phát triển, đó cũng chính là tính cộng đồng trong làm du lịch. Bởi vậy, một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của du lịch không phải là ở dự án du lịch lớn hay nhỏ mà chính là ở việc dự án đó có xuất phát và hướng đến lợi ích của cộng đồng hay không.”
 
Đến từ Tp. Busan (Hàn Quốc), từng là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương, giảng viên của nhiều trường đại học nổi tiếng và đã nhận được giải thưởng thành tựu cuộc đời do tổng thống Moon Jae-in trao tặng, GS. TS Lim Sang Taek hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Đào tạo Du lịch, Đại học Duy Tân đã đưa ra quan điểm của mình về sự tương đồng giữa Tp. Busan và Tp. Hội An. Theo GS. TS Lim Sang Taek, nói đến Busan và Hội An là nói đến một thành phố rất năng động. Cả 2 thành phố đều từng là những thương cảng sầm uất, đều là những nơi diễn ra sự giao lưu văn hóa của nhiều quốc gia và theo dòng thời gian, Busan và Hội An đều đã có những sự “chuyển mình” để trở thành những thành phố du lịch nổi tiếng. 
 
... và GS. TS Lim Sang Taek kể cho giảng viên - sinh viên Duy Tân nghe câu chuyện về làng bích họa Gamcheon
 
Rất nhiều sinh viên muốn tìm hiểu sâu hơn về Tp. Busan, trong đó sinh viên Trần Quang Khải - chuyên ngành Văn hóa Du lịch rất quan tâm đến quá trình làng Gamcheon trở thành làng bích học nổi tiếng, nơi thu rất nhiều du khách. Chia sẻ trước sự quan tâm của Quang Khải, GS. TS. Lim Sang Taek cho biết: “Năm 2006, tôi tình cờ là một trong những người tiên phong trong việc cải tạo làng Gamcheon. Trước đó, Gamcheon là một ngôi làng nghèo và gần như là bị lãng quên nên chính phủ đã quyết định cải tạo, chiếu sáng ngôi làng và phát triển du lịch ở nơi đây. Thế nhưng, khi đến vận động người dân, chúng tôi đã gặp phải sự kháng cự bởi  ở đây hầu hết là người già sinh sống, còn người trẻ đã rời làng đi làm xa. Họ đã có tuổi nên giữ tư tưởng “an phận”. Với khát vọng thay đổi ngôi làng, sau rất nhiều nỗ lực chúng tôi đã thuyết phục được người dân và từng bước cải tạo cũng như phát triển du lịch cho làng Gamcheon. Đến nay, làng Gamcheon luôn thu hút được một lượng lớn du khách đến thăm, cụ thể là hơn 3 triệu lượt khách/năm và 60% trong số đó là du khách quốc tế. Một trong những vị khách đặc biệt mà làng Gamcheon được vinh dự tiếp đón chính là Nữ hoàng Elizabeth của Anh Quốc.”
 
Sinh viên Cao Quang Dũng - Lớp K23 DLL4 đưa ra băn khoăn đối với người làm du lịch. Họ phải làm gì để truyền tải được những giá trị, những thông điệp của địa điểm du lịch đến với du khách bởi hiện nay đang có tình trạng nhiều Hướng dẫn viên Du lịch chưa nắm vững kiến thức, có những truyền tải sai lệch đến du khách. Câu trả lời được các khách mời giải đáp: Thực tế, hiện nay vẫn còn xảy ra tình trạng nhiều người chưa được cấp thẻ hành nghề nhưng vẫn làm Hướng dẫn viên và đã cung cấp thông tin sai lệch đến với du khách. Bởi vậy, với các em học ngành Du lịch là những người làm việc trong lĩnh vực du lịch sau này cần phải tìm hiểu thông tin và nắm vững những kiến thức đã được học, tự bồi dưỡng và nâng cao kiến thức để phục vụ cho công việc. Đối với các địa phương làm du lịch, người dân chính là những sứ giả truyển tải đến du khách những thông điệp, những giá trị văn hóa,... chính xác nhất của chính địa phương mình thông qua các hoạt động giao lưu, buôn bán,...
 
Từ những vấn đề sinh viên thắc mắc, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ đã có những lời nhắn nhủ tâm huyết: “Du lịch là nhân văn và một trong những yếu tố quan trọng để làm du lịch hấp dẫn chính là ở người làm du lịch. Bởi vậy, các em sinh viên ngành Du lịch phải là những người có học thức, có trình độ và đặc biệt là ý thức được đạo đức nghề nghiệp. Có thể thành phố đó, địa phương đó không có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng chính sự nỗ lực của con người sẽ giúp nơi đó trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.”
 
Bài viết liên quan