Sự kiện nổi bật
Sau dịch Covid-19, chúng ta có sống khác đi hay không?
20/04/2020

Chúng ta đang ở vào ngày thứ 13 của thời gian cách ly toàn xã hội. Tôi không nói đến những người không tuân thủ quy định, cứ tìm cách ra khỏi nhà (đi tập thể dục đông người ở công viên; đi câu cá ở kênh Nhiêu Lộc, một hành động vốn đã bị cấm, ngay thời chưa cách ly - dị biệt, có người mang theo đến 3 chiếc cần câu, cắm ở ba nơi, chạy qua chạy lại để điều khiển cần câu, cốt câu cho được nhiều cá - hoặc tụ tập ăn nhậu; nhất là tụ tập đua xe, đưa đến gây ra tội ác, làm chết hai chiến sĩ CSGT, như đã xảy ra ở Đà Nẵng rất đau đớn...và quá nhiều những vi phạm khác!). Ở đây, tôi chỉ muốn bàn đến cuộc sống của những người tuân thủ cách ly và thực tế xã hội sau thời gian cách ly.

Ai buộc phải ở mãi trong nhà, không thể đi bất cứ đâu, hẳn cũng đều cảm thấy bực mình. Và có một thực tế không thể chối cãi, cuộc sống của tất cả chúng ta bị xáo trộn...Và chúng ta buộc phải biết thích nghi, để sống, để tồn tại trong an lành và để không bỏ phí thời gian. 
 
Sau dỊch Covid-19, chúng ta có sống khác đi hay không?
Sau dịch Covid-19, chúng ta có sống khác đi hay không? (Ảnh: New York Times)
 
Nhưng thiên nhiên bên ngoài đã ra sao, trong thời gian gần như cả thế giới "không ra đường" này? 
 
Những con đường vắng bóng xe cộ bỗng trở nên thanh lành, không còn khói bụi, tai nạn, tiếng động. Những dòng sông, con kênh trở nên trong xanh và sạch sẽ hơn. Chỉ số chất lượng không khí đo được ở các thành phố trên cả đất nước Việt Nam chúng ta, trở nên tốt hơn hẳn. Ngoài vịnh biển Nha Trang xuất hiện những chú cá heo; ngoài biển của nước Pháp còn xuất hiện cả cá voi...Cuộc sống giảm độ hiện diện của cơ khi bỗng trở nên tốt đẹp hơn hẳn. Thiên nhiên tươi trẻ, hiền hòa.
 
Tất cả những điều ấy buộc mỗi người chúng ta phải nghĩ lại. Hóa ra tai trời ách nước với Covid-19 này, cũng có mặt tích cực của nó. Chúng ta sống chậm lại, và nhờ thế, chúng ta gần nhau hơn, hòa thuận với thiên nhiên hơn, bình an hơn, chừng mực hơn...
 
Tính trên bình diện quốc gia, dịp này cũng giúp chúng ta thấy rõ hơn tính đặc thù của văn hóa Việt Nam. 
 
Cần lưu ý rằng, nói đến văn hoá dân tộc thì không thể nào bỏ quên yếu tố môi trường mà nền văn hoá đó hình thành. Và môi trường hình thành của nền văn hoá dân tộc Việt là: người Việt Nam từ bao đời nay là những cư dân sống ở vùng nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa, lãnh thổ có nhiều sông suối, nền nông nghiệp lúa nước tồn tại nhiều đời, quen lao động chân tay, luôn phải đối đầu với những biến đổi khí hậu, với tai ương và dịch bệnh...
 
Chính môi trường tự nhiên và điều kiện kinh tế ấy đã có tác động rất lớn đến đời sống văn hoá của dân tộc Việt; kể cả đời sống văn hoá vật chất lẫn đời sống văn hoá tinh thần. Rồi đến lượt nó, chính đời sống văn hoá ấy lại làm nên tính cách tâm lý của con người Việt Nam.
 
Con người Việt Nam, xét riêng về mặt tư tưởng, là con người của tư tưởng yêu nước, vì suốt trường kỳ lịch sử phải luôn luôn tự vệ, phải không ngừng chiến đấu chống ngoại xâm, chống lại những tai ương, dịch bệnh để tồn tại. Và chính vì thế, đã hình thành nên một nét đặc thù văn hóa, tồn tại suốt từ bao đời nay: Trong thanh bình, no ấm, người Việt ít khi đoàn kết, nhưng bất cứ khi nào có họa ngoại xâm, có thiên tai dịch bệnh, thì ngay lập tức, không ai bảo ai, tinh thần đoàn kết lại được thể hiện, bộc lộ mãnh liệt và trở thành sức mạnh vô song. Thì ngay trong những ngày này, chúng ta cũng thấy rõ điều đó. Cả hệ thống chính trị và từng người dân, đều đồng lòng chịu thiệt thòi (kể cả chịu thiếu thốn chén cơm hằng ngày) để cùng nhau chung sức, chung lòng chống lại Covid-19. Thù tướng Chính phủ nói đến một khái niệm được mọi người nhất trí cao: "Chống dịch như chống giặc". Và, "thử thách, gay go gấp hai, thì chúng ta phải cố gắng gấp ba". Và quả đã có như thế ! Mọi người dân đều đồng lòng ủng hộ và tuân theo những chủ trương của Chính phủ; thậm chí, bắt đầu từ Tp.HCM, rồi lan đi khắp nước, những phần cơm, gói mì "ai thiếu thì tự đến lấy" xuất hiện khắp nơi; kể cả sáng kiến của Hoàng Tuấn Anh, chàng trai mới 35 tuổi, với "Cây ATM GẠO"... (Nhưng khi mọi tai ương qua đi, sự dị biệt về quan điểm chính trị, tôn giáo, lối sống, có thể lại trở lại tạo cách biệt, gây chia rẻ, thiếu đoàn kết. Lịch sử đã bao lần chứng minh như thế. Chỉ mong sao, lần này, sẽ khác hơn!). Chỉ mong rằng sau dịch bệnh, nền kinh tế của chúng ta sẽ đi theo hình chữ V, như một chuyên gia kinh tế đã phát biểu: "Một nền kinh tế khi khó khăn, có thể diễn biến theo nhiều xu hướng, trong đó xu hướng theo hình chữ V là đáng mong ước nhất". Vì chữ V là "kinh tế suy giảm nhanh, nhưng đáy của sự suy giảm rất hẹp, khó khăn bủa vây trong thời gian ngắn, sau đó doanh nghiệp hồi phục và bung lên trở lại" (Trần Hoàng Ngân: Mong một chữ V trọn vẹn, Tuổi trẻ, số ra ngày Thứ Bảy, 11.4.2020).
 
Còn về giáo dục, việc dạy trực tuyến trong thời gian trường học đóng cửa, SVHS nghỉ học vừa qua, có thể sẽ tạo nên một xu thế mới tại Việt Nam. Với các nước Âu Mỹ, việc dạy trực tuyến (online) đã có từ khá lâu, nhưng với xã hội chúng ta, thì lần này, trong cơn "chống dịch như chống giặc" mới trở nên đắc dụng. Điều ấy sẽ đưa nền giáo dục của chúng ta, nhất là giáo dục Đại học, đến một thực tế là sẽ phải (và cần) dạy online nhiều hơn. Vì chúng ta biết rằng, giáo dục ở trường đại học sẽ phải có nhiều thay đổi trong tương lai, để đem lại lợi ích cho đất nước, trong một xã hội mà nền kinh tế nước nhà tuỳ thuộc vào sự hiểu biết, sáng kiến.và sự tiến hành đổi mới (innovation)
 
Sự tiến bộ của hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông đã thay đổi cách khai thác những dữ liệu. Tương lai trường đại học sẽ có nhiều hơn những lớp học online, thư viện online, những mạng kết nối xã hội (social networking). Do đó,trường đại học tương lai không chỉ ở trong địa phận của mỗi trường mà sẽ bao quát và đại chúng hơn, trên cả nước và trên toàn thế giới.  Người sinh viên sẽ có những sứ mạng quan trọng hơn, chẳng hạn lo lắng đến những bất công trong xã hội ở khắp mọi nơi, sự biến đổi khí hậu toàn cầu, dịch bệnh, khủng hoãng khí hậu... và cũng vì vậy, những thách thức sẽ lớn hơn.
 
Những ngày trước, sinh viên đại học là những thành phần có đủ khả năng trí tuệ và tài chánh, nhưng trong tương lai, với tiến bộ của công nghệ thông tin, lớp học online, mọi người có thể lên mạng, học hỏi và chọn những môn học mà mình thích thú và tùy theo khả năng.
 
Một điều quan trọng nữa là tương lai của đại học sẽ đặc biệt chú trọng đến những công trình nghiên cứu (research) để có thể giúp ích cho xã hội.
Phải phát huy khả năng lãnh đạo (leadership) và biết rõ trách nhiệm của một người được dạy dỗ để đem sự hiểu biết phục vụ cho mọi người.
 
Tuy nhiên, sự phát triển trong ngành công nghệ thông tin cũng có những mặt bất cập của nó: Sinh viên có khuynh hướng học một mình (vì đã tìm thấy những điều cần biết online), nên khả năng giao tiếp sẽ kém hơn, đời sống ở đại học sẽ thiếu tinh thần cộng đồng (loss of community). Và như thế, người thầy không thể đem hết tình yêu, nhân cách của mình truyền vào bài giảng, tạo nên sự tiếp thu và hình thành nhân cách, lối sống gương mẫu, tốt đẹp, kể cả giá trị làm người ở sinh viên.
 
Chính vì vậy, trong thực tế của xã hội Việt Nam chúng ta, việc dung hòa giữa nền Đại học truyền thống, dựa trên nhân cách và nhất là kinh nghiệm giữa con người với con người (human experience) và nền giáo dục hiện đại, dạy qua mạng (online), là điều thật sự cần thiết.
 
Có lẽ Đại học Duy Tân của chúng ta cũng không thể không đi theo con đường đó !  
         
 
Bài viết liên quan