'Quảng Nam nên xây dựng kè ngầm chắn sóng, chống xói lở bờ biển Hội An'
20/11/2020
Nói về vụ sạt lở ven biển Hội An, TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường và Công nghệ hóa (Đại học Duy Tân) cho biết, Quảng Nam nên xây dựng kè ngầm chắn sóng, để khắc phục tình trạng sạt lở.
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, sau khi cơn bão số 13 đi qua, bãi biển An Bàng thuộc phường Cẩm An (TP. Hội An, Quảng Nam) bị sạt lở và xâm thực nghiêm trọng.
Theo đó, dựa vào dự án "Nghiên cứu quá trình xói lở bờ biển Hội An", TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường và Công nghệ hóa (Đại học Duy Tân) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến xói lở bờ biển Hội An là việc xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện đầu nguồn đã làm chặn nguồn cung trầm tích; tình trạng khai thác cát ồ ạt trên sông Thu Bồn làm mất trầm tích sông; việc xây dựng các cây cầu ngang sông Thu Bồn gây cản trở, phần nào làm thay đổi dòng chảy.
Bên cạnh đó, nguồn cung trầm tích cho các bãi biển thiếu hụt, cộng hưởng với hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian vừa qua đã khiến tình trạng sạt lở ở khu vực này càng trở nên nghiêm trọng.
"Do ảnh hưởng của các cơn bão nên hiện tượng sóng cao đánh thẳng vào bờ. Phần bờ bị sạt lở lộ ra mặt cắt có nơi cao đến 3 m, sóng đánh thẳng vào mặt cắt khiến các khu vực này có nguy cơ tiếp tục sạt lở sâu vào đất liền. Năng lượng của các con sóng này rất mạnh, nền trầm tích bở rời nên các tuyến kè bờ nếu được xây dựng, dù cứng hay mềm cũng sẽ khó có thể trụ nổi", TS. Nguyễn Thị Minh Phương chia sẻ.
Quảng Nam nên xây dựng kè ngầm chắn sóng, nhằm khắc phục tình trạng sạt lở ven biển Hội An.
Về vấn đề khắc phục, theo TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Hội An phải có một bộ giải pháp tổng thể trên cơ sở các dữ liệu thực tế về địa hình đáy, sóng, dòng chảy và lượng bùn cát. Thực tế cho thấy các rạn san hô nằm ở vùng nước nông đã làm rất tốt nhiệm vụ bảo vệ đường bờ trước các cơn bão lớn.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam hoàn toàn có thể học theo thiên nhiên về cách này, để làm giảm sức mạnh của sóng từ khi còn xa bờ bằng các tuyến kè ngầm giống như các rạn san hô. Khi bị chặn từ xa, năng lượng sóng đánh vào bờ sẽ giảm đi rất nhiều.
"Kè ngầm được xây dựng bởi các khối bê tông 4 chấu giống như ở khu vực biển Tình của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Giải pháp này phải được đi cùng với các biện pháp hạn chế xây đập phía thượng nguồn cũng như cấm hoàn toàn việc khai thác cát trên sông Thu Bồn thì việc bảo vệ bờ biển Hội An mới có thể bền vững được", TS Nguyễn Thị Minh Phương gợi ý.
TS. Nguyễn Thị Minh Phương phân tích thêm, việc nuôi bãi nếu có tính đến, cũng chỉ nên thực hiện sau khi kè ngầm đã được xây dựng, bởi chỉ khi đó, năng lượng sóng vào bờ đã được giảm đi nhiều thì bãi nuôi mới có thể tồn tại và phát triển.
Bãi biển An Bàng, Quảng Nam bị sạt lở và xâm thực nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, việc khắc phục hậu quả sạt lở đang được tỉnh và địa phương lên kế hoạch lâu dài. Theo đó, tỉnh đang lấy kiến, thống nhất phương án phù hợp.
Cụ thể, tỉnh đang lấy ý kiến về dự án trung hạn với nguồn vốn khoảng 300 tỷ đồng của Trung ương và dự án tổng thể khoảng 1.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA của chính phủ Pháp. Sau khi thống nhất phương án, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành dự án trước tháng 9/2021.
Trước đó, trưa 16/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu đã trực tiếp xuống hiện trường, để khảo sát và chỉ đạo khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo để khắc phục tình trạng trên theo hướng lâu dài. Trong đó, địa phương sẽ tiến hành xây dựng và hoàn thành tuyến kè ven biển trước tháng 9/2021.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã có phương án xây dựng, kiên cố phần đất bị sạt lở ở các nhà hàng ven biển. Để thực hiện điều này, tỉnh mong muốn các nhà khoa học, bộ ngành cùng nghiên cứu, để lên phương án phù hợp.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, vùng biển Cửa Đại đang bị bồi đáp, khiến cho tàu thuyền đi lại gặp nhiều khó khăn, tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải có phương án vét luồng, vùng bồi này để đáp đất vùng bị sạt lở.