Hội thảo, Hội nghị
Triển lãm các Ý tưởng Learning Express 2019 của Sinh viên Duy Tân và Singapore
18/04/2019

Sau gần 2 tuần trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam trong chương trình Learning Express 2019, giảng viên cùng sinh viên 2 trường Singapore Polytechnic và Đại học Duy Tân đã tổ chức trưng bày các ý tưởng tại Thư viện Đại học Duy Tân vào chiều ngày 10/4/2019. Đây là thành quả đạt được của giảng viên và sinh viên 2 trường sau những ngày miệt mài tìm hiểu và nghiên cứu với mong muốn giúp người dân khắc phục được những hạn chế, đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ sức khỏe.

Đến với làng nước mắm Tam Thanh, làng nuôi tôm và làng làm chiếu ở Tp. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, sinh viên 2 trường Đại học Duy Tân và Singapore Polytechnic đã tìm hiểu về quy trình làm ra từng sản phẩm của các làng nghề, cùng tham gia sản xuất với người dân để hiểu rõ hơn những yêu cầu trong công việc, những khó khăn và vất vả mà người dân nơi đây đang gặp phải. Với sự thông minh và nhạy bén, sinh viên 2 trường đã nắm bắt được những vấn đề “nan giải” của người dân các làng nghề, cùng nhau lên kế hoạch và đưa ra những ý tưởng, giải pháp hữu ích hỗ trợ cho cuộc sống cũng như công việc của người dân.
 
Tại Triển lãm, sinh  viên 2 trường đã đưa ra nhiều ý tưởng và trưng bày nhiều mô hình về các sản phẩm, thiết bị thông minh hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất. Điển hình như với làng nước mắm Tam Thanh, sinh viên 2 trường đã lên ý tưởng sẽ vẽ thêm nhiều bức tranh thể hiện hình ảnh về việc sản xuất nước mắm lên các bức tường của nhà dân ở làng Bích Họa Tam Thanh - một địa điểm rất thu hút khách du lịch của làng, vẽ lên các chum làm nước mắm để tạo điểm nhấn, gắn thêm bảng chỉ đường đến làng, mở rộng dịch vụ du lịch theo hình thức cho du khách được trải nghiệm các công đoạn làm nước mắm, hướng dẫn khách pha chế nước nắm ngon, tích cực quảng cáo trên mạng xã hội. 
Đại diện Đại học Duy Tân và Singapore Polytechnic trao chứng chỉ cho những sinh viên tham gia Learning Express 2019
Ở làng chiếu, nhận thấy việc người dân thu hoạch cói bằng liềm rất dễ xảy ra tai nạn lao động, các bạn sinh viên đã đưa ra ý tưởng về một chiếc kéo cắt cói chuyên dụng, vừa tiện lợi vừa đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các bạn cũng làm một mô hình về giàn phơi cói thông minh, có nhiều giàn phơi để phơi cùng lúc được nhiều cói và nâng cao được chất lượng cói so với việc phơi dưới nền sân; giàn phơi còn có bánh xe thuận tiện cho việc di chuyển vào trong nhà khi trời tối hoặc mưa rất thuận tiện. Song song với đó, việc đưa ra ý tưởng không chỉ dừng lại ở làm chiếu truyền thống mà còn làm ra những chiếc chiếu mini, những sản phẩm trang trí khác từ cói hay hướng dẫn khách vẽ hoa văn yêu thích lên chiếu,... không chỉ thúc đẩy sản xuất của làng nghề mà còn góp phần đẩy mạnh được hoạt động du lịch của địa phương.
 
Đối với làng nuôi tôm, “bài toán” khó nhất đó là làm thế nào để tiết kiệm được chi phí tiền điện trong quá trình nuôi bởi như hiện tại, mỗi hộ gia đình phải chi từ 80 - 100 triệu/năm cho tiền điện. Sau khi phân tích kỹ lưỡng về tình hình và cùng nhau bàn bạc, sinh viên 2 trường đã đưa ra ý tưởng và xây dựng mô hình về hệ thống điện sử dụng năng lượng mặt trời. Cụ thể, ở mỗi hộ gia đình sẽ có một tấm pin năng lượng mặt trời, sau đó điện năng thu về được chuyển vào một thiết bị ổn áp để tránh các sự cố về điện. Theo tính toán, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời sẽ giúp các hộ gia đình tiết kiệm đc 43% chi phí về tiền điện mỗi năm.
 
Sinh viên Eunice Kong Siu Chi (Ngành Công nghệ Sinh học - Trường Singapore Polytechnic) chia sẻ: “Khoảng thời gian trải nghiệm thực tế ở các làng nghề cũng như làm việc với các bạn sinh viên Duy Tân là khoảng thời gian đầy ý nghĩa đối với em. Em đã có được những trải nghiệm thú vị ở các làng nghề và có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, em cũng biết được cách vận dụng hiệu quả những kiến thức đã học cùng phương pháp Design Thinking đã được tập huấn trước trong chương trình Learning Express vào giải quyết một số vấn đề trong thực tế và đặc biệt là có thêm nhiều bạn mới khi tham gia chương trình Learning Express với sinh viên Duy Tân. Em hy vọng sẽ có nhiều cơ hội quay lại Tp. Đà Nẵng để cùng các bạn sinh viên Duy Tân tiếp tục tìm đến nhiều làng nghề và đóng góp nhiều hơn nữa những ý tưởng, giải pháp hỗ trợ cho cuộc sống lao động, sản xuất của người dân Việt Nam.”
Bài viết liên quan